TRANH SẼ RỚT GIÁ NẾU TRÀN NGẬP THỊ TRƯỜNG

Câu hỏi: Tôi khá thành công như những họa sĩ khác và sống hoàn toàn bằng tiền bán tranh. Tôi không làm ra nhiều tiền, nhưng tôi kiếm đủ để sống thoải mái. Tình huống của tôi hiện nay là: tôi vẽ tranh nhanh hơn bán tranh, vậy nên tôi tự hỏi mình có thể tăng số lượng tranh bán bằng cách tăng số lượng phòng trưng bày tranh của tôi. Hai phòng trưng bày địa phương tôi hợp tác bán nhiều tranh của tôi, nhưng họ không thích ý tưởng này lắm. Tôi cũng muốn hợp tác với những phòng tranh khác ở những vùng khác của nước tôi. Anh có lời khuyên nào cho tôi ?

Trả lời: Tăng số lượng phòng trưng bày bán tranh của anh là một ý tưởng sáng suốt miễn anh cẩn thận cách làm. Mấu chốt ở đây – anh phải kiểm soát số lượng tranh anh có trên thị trường, số lượng phòng trưng bày bán tranh, và địa điểm của phòng trưng bày. Nếu anh làm bão hòa thị trường bằng quá nhiều tranh, hoặc cho quá nhiều phòng trưng bày quyền bán tranh của anh, anh sẽ gặp rắc rối.

Về cơ bản, một phòng tranh bán tác phẩm của anh càng thành công thì họ càng dùng nhiều thời gian để bán tranh của anh, và ngược lại. Ví dụ, giả sử rằng một phòng tranh mở hai đợt triển lãm tranh của anh suôn sẻ mỗi năm. Họ sẽ giữ nguyên số lượng đó nếu triển lãm tranh của anh tiếp tục thành công. Nếu một trong hai đợt triển lãm không tốt, phòng tranh sẽ thay thế nó bằng một đợt triển lãm tranh của tác giả khác, và chỉ trưng bày tranh của anh một lần mỗi năm. Nói cách khác, họ sẽ dùng ít thời gian hơn để bán tranh của anh, và anh trở thành kẻ bị thất sủng ở phòng tranh đó.

Anh hiện tại là ngôi sao sáng ở hai phòng tranh. Họ bán nhiều tranh của anh vì vậy hãy đảm bảo rằng họ đồng thuận với những bước tiến trong sự nghiệp cầm cọ của anh; anh không muốn làm họ phật ý chứ? Nếu anh tung quá nhiều tranh vào thị trường địa phương thông qua những phòng tranh mới, điều này khá dễ dàng vì anh sáng tác nhanh hơn bán tranh, anh tạo ra rủi ro là tranh của anh quá dễ mua và do đó làm tổn hại danh tiếng của mình tại hai phòng tranh kia. Họ sẽ mất quyền bán tranh của anh vào tay những phòng tranh mới, và đó là lý do họ không muốn tăng số lượng tranh của anh bày bán chỗ họ.

Họ cũng sẽ mất sự độc quyền vì những bức tranh từng được bán thông qua họ giờ đây sẽ được tìm thấy ở những phòng tranh khác. Sau cùng, họ thậm chí còn phải giảm giá bán tranh của anh để cạnh tranh với những phòng tranh khác. Họ càng mất nhiều thương vụ bán tranh, thời gian họ dùng để bán tranh của anh càng ít, và anh càng bị thất sủng. Tệ nhất là họ mất quá nhiều thương vụ và mất luôn cả anh – một kết quả không mong đợi, nhưng vẫn là một kết quả cần phải cân nhắc.

Cách tốt nhất là anh tìm cách hợp tác với những phòng tranh ở những vùng khác của đất nước. Những phòng tranh đó càng xa những phòng tranh hiện anh đang trưng bày càng tốt. Thực ra, hãy làm cho hai phòng tranh kia hài lòng bằng cách nói cho họ biết anh đang làm gì và hỏi xem họ có đề nghị gì không. Anh còn có thể nhờ họ khuếch trương việc bán tranh của anh. Một phòng tranh giới thiệu anh với một phòng tranh khác để đề nghị chuyện buôn bán thường có hiệu quả hơn một họa sĩ tự giới thiệu mình với phòng tranh đó.

Dù anh có nhiều tranh để bán, khi anh có thêm một phòng tranh, hãy cân nhắc thật kỹ để thỏa thuận với mỗi phòng tranh rằng họ sẽ không cạnh tranh dưới mọi hình thức với những phòng tranh anh hiện trưng bày. Hãy chờ đủ lâu để xem xét thị trường tác phẩm của anh bị ảnh hưởng như thế nào. Hãy theo dõi cán cân giữa số lượng tranh anh có thể bán và số người thích mua tranh của anh. Để giữ giá tranh ổn định hoặc tăng lên, anh phải giữ cho được một mức độ khan hiếm tranh nhất định.

Khi anh trở nên nổi tiếng và vẽ đủ nhanh đủ số lượng tranh để thỏa mãn nhu cầu người mua tranh, đó mới là lúc hợp tác với các phòng tranh ở khắp nơi. Nhưng nếu tranh của anh chưa bán được nhanh bằng tốc độ anh sáng tác, đừng để các phòng tranh hay người mua có được tranh của anh quá dễ dàng – ngay cả khi anh thành danh, ngay cả khi anh có thể vẽ hai bức tranh chỉ trong một giờ và sau cùng bán mỗi bức với giá 3000 đôla. Càng dễ mua được tranh của anh, người ta càng ít nghĩ ngợi về nó. Người mua tranh thích tin rằng họ đang có được thứ gì đó đặc biệt khi họ mua tranh chứ không phải thứ gì đó dễ dàng tìm thấy ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần nỗ lực gì mấy.